Xã Xuân Đám
Vị trí xã Xuân Đám tại đây
nằm ở phía Tây – Nam đảo Cát Bà, thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng; Đông – Bắc giáp xã Trân Châu, Tây – Bắc giáp xã Hiền Hào, phần còn lại giáp biển, đối diện luồng tàu ra vào Hải Phòng. Diện tích tự nhiên là 1.073,09 ha, dân số 893 người, 249 hộ, chia làm 4 thôn.
Xuân Đám đã từng có các tên gọi khác nhau: Làng U, làng Xuân Áng, Việt Hưng. Các thôn xóm cũng có các tên gọi mang nét đặc trưng riêng, phản ánh quá trình hội tụ dân cư, phát triển cộng đồng, mối qua hệ gắn bó giữa cuộc sống, con người với thiên nhiên. Thôn Cát Đồn trước đây (nay là Thôn 1) còn gọi là Làng Rá, do có bãi cát và thành nhà Mạc nên gọi là Cát Đồn. Xóm Đông là nơi dân cư sinh sống đông nhất (nay là Thôn 2). Xóm Đình là nơi có đình làng được xây ở đó (nay là Thôn 3). Còn thôn Tùng Ruộng (nay là Thôn 4) là nơi có nhiều ruộng đất sản xuất nông nghiệp.
Được thiên nhiên ưu đãi cho sự đa dạng về hệ thực vật quý đa dạng, môi trường không khí và tiếng ồn chưa bị ô nhiễm nên Xuân Đám là nơi có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi Ong mật. Các loài hoa rừng là nguồn mật hoa, phấn hoa vô cùng lớn, quý giá đã tạo nên một thương hiệu Mật ong hoa rừng Cát Bà, màu vàng đậm, đặc sánh, với một vị thơm ngon cho giá trị dinh dưỡng cao. Mật ong trên đảo cũng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận thương hiệu "Mật ong Cát Bà"…
Chính quyền Xuân Đám được xây dựng theo mô hình chính quyền thân thiện với người dân và xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, sự minh bạch hoá, xã hội hoá đã tạo thêm điểm nhấn cho sự phát triển bền vững của dịch vụ du lịch sinh thái địa phương. Những tuyến đường dẫn vào khu dân cư, khu du lịch được kiên cố hóa, tạo điều kiện để du khách thả bộ, ngắm cảnh.
Người dân Xuân Đám tạo ra những vườn cây sinh thái với đủ loại hoa, quả; những gia trại nuôi gà, lợn rừng, ong... để cung cấp các sản phẩm đặc thù của địa phương cho du khách. Các sản phẩm chế biến từ hồng hoa, mật ong, vải, nhãn, cam... được cung cấp cho trung tâm du lịch. Nhiều cơ sở lưu trú, homestay đã được doanh nghiệp, nhân dân đầu tư xây dựng để du khách qua đêm khi du khách có nhu cầu.
Chiều đến, biển ở đây đẹp đến mê hồn, không sóng lớn, nước biển trong veo, bãi cát vàng; không kiêu kỳ mà quyến rũ, khiến núi phải nghiêng mình soi bóng, như níu chân mến khách đường xa. Du khách có thể tắm hay là chơi đùa trên triền cát phẳng lặng hay phơi mình đón hoàng hôn về. Mặt trời về chiều trên bãi Doi, Cát Đồn với muôn sắc màu lung linh giữa biển khơi sóng vỗ.
Không gian về đêm ở Xuân Đám thật huyền ảo, bao la, sóng biển rì rào, vi vu gió thổi và xa xa rực rỡ ánh đèn của những đoàn thuyền đánh cá đêm đêm vẫn cần mẫn đi về. Lúc nay, hãy ngồi lại đây cùng thưởng thức những món đặc sản hương vị núi rừng: Gà nướng, Sắn nướng, Ngô, Khoai luộc… còn đượm mùi thơm của bếp lửa…hay chút hải sản tươi nguyên từ mẻ lưới chiều được chế biến theo phong cách dân chài. Bên nhau nhâm nhi chút rượu trong men nồng và nhìn ra phía biển. Du khách ghé thăm sẽ nhận được sự hỗ trợ và dịch vụ thân thiện, hoà đồng của cư dân bản địa.
Ngày Quốc khánh 02/9/2000, trong lễ tuyên bố xây dựng làng văn hóa xã Xuân Đám, vị cao niên nhất làng đã đánh trống phát động, từ đó nhân dân xã Xuân Đám chọn ngày này là ngày hội làng. Ngày Hội làng được tổ chức thường niên hàng năm, các dòng họ ở các thôn huy động phụ nữ, thanh niên trai tráng trong làng tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong làng xã.
Kết thúc các hoạt động trong ngày các dòng họ thường tổ chức liên hoan để động viên, biểu dương phụ nữ, thanh niên thuộc dòng họ đã tích cực tham gia các hoạt động chung vì cộng đồng, vì dòng họ. Cùng với quá trình đầu tư, phát triển của Trung ương, Thành phố, của huyện, bộ mặt nông thôn xã Xuân Đám ngày càng khang trang, hiện đại, với những hàng hoa Mộc miên (cư dân ở đây gọi là hoa Gạo) rợp bóng mát, sắc đỏ rực rõ trên những con đường thênh thang mới mở, dự kiến ngày hội làng thường niên sẽ được đổi tên thành ngày “hội hoa Mộc Miên” để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch tại làng quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, giàu tiềm năng phát triển loại hình du lịch văn hóa.