Giới thiệu về quần đảo Cát Bà

Huyện Cát Hải có diện tích tự nhiên là gần 345km2 (chưa tính khu vực quần đảo Long Châu), dân số của huyện tính đến năm 2019 là trên 31.996 người. Huyện có 388 đảo lớn nhỏ trong có hai đảo lớn là đảo Cát Hải diện tích xấp xỉ 40 km2 (còn được gọi là khu Đôn Lương) và đảo Cát Bà (còn gọi là khu Hà Sen) rộng khoảng 144km2 (không tính diện tích mặt nước biển). Huyện Cát Hải nằm ở phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30km đường biển.Đảo Cát Hải là đảo cát bằng phẳng nằm giữa cửa sông Nam Triệu và Lạch Huyện, trên đảo có 5 đơn vị hành chính gồm: thị trấn Cát Hải và 4 xã: Hoàng Châu, Nghĩa Lộ, Văn Phong, Đồng Bài. Đảo Cát Bà là một vùng núi đá trùng điệp gồm các đơn vị hành chính: thị trấn Cát Bà, xã Trân Châu, Xuân Đám, Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long và Việt Hải.

Thời kỳ Bắc thuộc huyện Cát Hải từng có tên là Ân Phong, Chi Phong, Hoa Phong, Nghiêu Phong. Đến thời kỳ thuộc Pháp có tên huyện Cát Hải thuộc tỉnh Quảng Yên gồm 2 tổng Đôn Lương và tổng Hà Sen với 16 xã, phường. Ngày 05/6/1956 huyện Cát Hải và thị xã Cát Bà thuộc tỉnh Quảng Yên được sáp nhập vào thành phố Hải Phòng. Huyện Cát Hải ngày nay được thành lập vào ngày 11/3/1977 trên cơ sở hợp nhất hai huyện Cát Hải và Cát Bà cũ.

Quần đảo Cát Bà là nơi hội tụ nhiều tài nguyên thiên nhiên rừng, biển vô cùng quý giá và là trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế.

Tương truyền, quần đảo Các Bà là nơi các bà, các mẹ và chị em phụ nữ lo trồng tỉa, hái lượm, chuẩn bị lương thảo giúp các chiến binh đánh đuổi giặc Ân. Bởi thế, hòn đảo các chiến binh đóng quân nơi tiền phương gọi là đảo Các Ông, và đảo hậu phương được mang danh là đảo Các Bà. Hiện nay, vẫn còn đó đền thờ Các Bà ở Áng Ván - Thị trấn Cát Bà, Đền Bà - xã Hiền Hào và theo dòng thời gian, đảo Các Bà được đọc chệch đi thành Cát Bà như ngày nay.

Vùng đất cổ Cát Bà được hình thành từ cuối nguyên đại cổ sinh sớm (cách ngày nay khoảng 410 triệu năm) Các tài liệu khảo cổ học đã xác nhận Cát Bà là một trong những nơi có người nguyên thuỷ sinh sống. Người cổ Cát Bà chính là một bộ tộc thành viên của người Lạc Việt, cư dân của quốc gia Văn Lang, Âu Lạc sau này. Cát Bà có 77 địa điểm khảo cổ đã được phát hiện và khảo sát có các di chỉ nổi tiếng như: Cái Bèo, Bãi Bến, Cát Đồn cùng nhiều di chỉ có giá trị khác như: Tùng Gôi, Ao Cối, Đồng Công, Hang Dơi, Eo Bùa …

Quần đảo Cát Bà là mẫu hình tốt nhất về tập trung cao của các hệ sinh thái nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình vượt trội so với các khu vực khác của Châu Á như hệ sinh thái đảo đá vôi, rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh, rừng ngập mặn, san hô, vùng triều, hồ nước mặn, thảm cỏ biển, hệ thống các hang động, tùng áng, trong đó có vườn Quốc gia Cát Bà rộng 15.200 ha với hệ thống động thực vật vô cùng phong phú, là nơi lưu giữ những nguồn gen quý hiếm có trong sách đỏ.

Rừng nguyên sinh trên đảo Cát Bà có đa dạng sinh học cao, đã thống kê được 1.588 loài thực vật, trong đó có những loài gỗ quý như Kim giao, Trai lý, Chò đãi, Lát hoa và nhiều cây làm thuốc như Thuyết giác, Xạ đen, Bình vôi, Cốt toái, Kim ngân, Lá khôi…Hệ động vật trên cạn có trên  343 loài động vật có xương sống, gồm 58 loài thú, 205 loài chim, 80 loài bò sát ếch nhái, côn trùng 274 loài; trong đó có 25 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam 2007, 24 loài trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP.

Đặc biệt, loài Voọc Cát Bà (Trachypithecus policephalus) được ghi vào sách đỏ thế giới và sách đỏ Việt Nam, là một trong 5 loài thú linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới hiện đang được tổ chức FFI bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là loài linh trưởng chỉ tồn tại duy nhất trên đảo và là biểu tượng của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà. Sinh vật biển thuộc vùng biển - đảo Cát Hải cũng rất phong phú, đa dạng, Cá biển 196 loài, Rùa biển 4 loài, San hô 193 loài, động vật đáy 658 loài, động vật phù du 131 loài, thực vật phù du 400 loài, rong biển 102 loài, thực vật ngập mặn 37 loài. Vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh biển trên đảo đẹp nhất thế giới nằm kề bên Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Trên đảo Cát Bà còn có khoảng gần 1000 ha rừng ngập mặn, trong đó rừng ngập mặn Phù Long với diện tích gần 700ha với 32 loài cây được coi là tốt nhất miền Bắc, có tác dụng phòng hộ, chống sói lở, điều hòa khí hậu và bảo vệ môi trường rất tốt. Đây còn là hệ sinh thái có tác dụng quan trọng trong việc hạn chế và bảo vệ sự xâm nhập mặn, điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học cho hệ động thực vật ven biển của Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà và là môi trường sống, ngụ cư sinh sản của các loài hải sản.

Quần đảo Cát Bà được tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới ngày 02/12/2004 bởi các giá trị sinh thái, nhân văn và đa dạng sinh học tiêu biểu cùng với nhiều tiềm năng phát triển bền vững. Ngày 09/12/2013, Danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Tháng 01/2020, Vịnh Lan Hạ được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW) công nhận thành viên chính thức, trở thành một trong các vịnh đẹp nhất thế giới. Năm 2020, “du lịch Cát Bà” là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất so với các điểm đến tại Việt Nam trên trang tìm kiếm của người khổng lồ công nghệ thế giới Google.  

Thiên nhiên đã ban tặng cho Cát Bà những thắng cảnh đẹp hoang sơ độc đáo. Không khí Cát Bà trong lành, mát mẻ, cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ với những dãy núi đá vôi trùng điệp xen kẽ những tùng áng và hang động huyền bí như: động Thiên Long, Hoa Cương, Trung Trang, Quân Y. Trên quần đảo Cát Bà có hàng trăm bãi tắm với những dải cát mịn, nước trong xanh và yên lành như: bãi tắm Cát Cò, Cát Tiên, Tùng Thu, Vạn Bội, Cát Dứa, Cát Vàng… và các vịnh đẹp như như: Lan Hạ, Bến Bèo, Cát Bà, Tùng Thu…

Đến Cát Bà du khách có thể chọn những phương tiện tiện lợi nhất, gồm:
Đường biển: Đi tàu cao tốc từ Bến Bính – thành phố Hải Phòng chạy thẳng tới Trung tâm du lịch Cát Bà khoảng 1 giờ.
Đường bộ: Du khách có thể đi ô tô từ thành phố Hải Phòng qua cầu đường Tân Vũ – Lạch huyện (cây cầu vượt biển dài nhất Việt nam) Khánh thành và đưa vào hoạt động ngày 02/9/2017, qua phà Gót – Cái Viềng hoặc qua tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long để ngắm rừng ngập mặn Phù Long từ trên cao. Hoặc quý khách đi từ Tuần Châu (Quảng Ninh) qua phà Tuần Châu sang Gia Luận rồi về trung tâm du lịch Cát Bà. Trên tuyến này du khách sẽ được thưởng ngoạn vườn cam lớn nhất đảo tại xã Gia Luận, thăm động đá Hoa Cương, hay vườn Quốc gia Cát Bà, động Thiên Long hoặc hang Quân y.

Tính đến năm 2021, trên đảo Cát Bà có 314 cơ sở lưu trú trên bờ và gần 80 tàu nghỉ đêm trên vịnh, đáp ứng tốt nhất mọi lựa chọn của du khách. Trong đó, khu nghỉ dưỡng cao cấp bao gồm khách sạn 5 sao Mgalery, Flamingo Cát Bà tọa lạc trên bãi tắm Cát cò 1, 2, 3 với không gian xanh, thanh bình, khơi nguồn cảm hứng khám phá vùng biển huyền thoại Cát Bà. Hàng trăm khách sạn tại khu trung tâm du lịch Cát Bà; các Homstay tại các xã trên đảo cũng sẽ giúp du khách sẽ được hòa mình vào không gian du lịch sinh thái cộng đồng, trải nghiệm sự thanh bình, lãng mạn và nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân miền biển đảo thân thiện và mến khách.

Đến đây du khách còn được thưởng thức nhiều sản vật đặc trưng của người dân vùng biển sản xuất ra và đã được cấp chứng nhận nhãn sinh quyển như Mật ong hoa rừng Cát Bà; Cam giấy (xã Gia Luận); Khoai sọ Mùn Ốc (xã Việt Hải); khoai sọ Mé Vằn (xã Hiền Hào) và các loại nông sản được trồng theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã Trân Châu, Xuân Đám, Hiền Hào.

Du khách cũng có thể trải nghiệm không gian khoáng đạt, thơ mộng của vịnh Lan Hạ - một trong các vịnh đẹp nhất thế giới với chất lượng dịch vụ lưu trú tiêu chuẩn 3 sao, 5 sao của các du thuyền sang trọng.

Đến Cát Bà du khách sẽ thỏa thích lựa chọn để thưởng thức những món ngon nổi tiếng do đôi bàn tay của những đầu bếp vùng biển chế biến. Những món ăn mang đậm hương vị mặn mòi của biển cả sẽ làm du khách hài lòng. Với hàng trăm nhà hàng nổi tiếng ẩm thực biển đảo, hàng chục nhà hàng nổi trên vịnh Cát Bà và Lan Hạ sẽ giúp cho du khách có những bữa ăn hội tụ đầy đủ các hương vị ẩm thực đặc trưng miền biển như cá song, tu hài, ghẹ, cua, bề bề, mực, Phi Phi, Ngán, sâu đất, gà Liên Minh hay dê núi Cát Bà, Ngao Phù Long...

Đến đây còn rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, khám phá, trải nghiệm như ngắm bình minh hoặc hoàng hôn trên biển. Leo núi, chèo thuyền kayak, lặn biển ngắm san hô, đạp xe tới các xã trên đảo cùng trải nghiệm với những người nông dân miền biển đảo đầy sóng và gió.

Đi bộ hoặc khám phá hang động kỳ bí với những nhũ đá còn đang sống lấp lánh thạch nhũ với nhiều hình thù kỳ dị; thăm vườn Quốc gia Cát Bà với hệ sinh thái nguyên sơ, kỳ vĩ; chinh phục đỉnh ngự lâm, hay câu cá, câu mực trên biển.

Văn hóa và con người nơi đây rất bình dị và chất phác. Đến Cát Bà, du khách sẽ cảm nhận cuộc sống trong môi trường an toàn, thân thiện và nghĩa tình bên những người dân miền biển giàu lòng mến khách. Đến Cát Bà du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc đó là các lễ hội của người dân miền biển.

Ở mỗi làng, mỗi xã trên đảo có 1 lễ hội truyền thống mang 1 sắc thái riêng. Tiêu biểu như Hội đền Bà xã Hiền Hào được tổ chức vào tháng giêng, chính hội là ngày 12 tháng giêng gắn với sự tích Mẫu Bà - bậc thánh nhân, có công chăm lo cho dân, dạy dân biết cấy trồng, dệt vải, đánh bắt cá tôm. Hội chèo bơi ở thị trấn Cát Hải được tổ chức vào ngày 21 tháng giêng - bắt nguồn từ ý nguyện tâm linh của những người đi biển, cầu Đông Hải đại vương - vị thần cai quản vùng biển phía Đông của Tổ quốc phù hộ cho một năm mưa thuận gió hoà, tôm cá bội thu. Lễ rước nước, Hội Xa Mã ở xã Hoàng Châu, là dịp để dân làng tưởng nhớ những người có công khai sinh lập làng, và những người đi làm ăn xa trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Trong số các lễ hội ở huyện đảo thì lễ hội làng cá 31/3 là lễ hội có quy mô lớn cấp huyện, do Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tổ chức. Đây là sự ghi nhớ sự kiện ngày 31 tháng 3 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng Cá Cát Hải, Cát Bà, động viên thăm hỏi bà con ngư dân trong công việc chài lưới, làm chủ biển trời quê hương. Từ đó đến nay, ngày 31 tháng 3 hàng năm đã trở thành ngày hội của huyện đảo, cũng đúng dịp ngày truyền thống của ngành Thuỷ sản Việt Nam, khai trương mùa du lịch Cát Bà và cũng là thời điểm bắt tay vào vụ Nam của ngư dân trên đảo.


Đặc điểm nổi bật trong văn hoá dân gian của người miền biển là ngày hội xuống nước ở các làng Chài, cùng nhiều trò chơi gắn liền với việc đánh bắt thủy sản, trong đó tiêu biểu là hội đua thuyền. Hội đua thuyền không chỉ là một trò chơi đơn thuần, nó còn là sự khẳng định trí tuệ, sự khéo léo, sự đoàn kết cộng đồng và sức mạnh dẻo dai của con người trong quá trình bảo vệ và chinh phục biển cả.Bản đồ du lịch Cát BàNhờ có điều kiện tự nhiên và thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu ôn hòa, Cát Bà đang dần trở thành thiên đường nghỉ dưỡng cho cả 4 mùa trong năm, đồng thời có sức hút rất lớn đối với nhiều nhà đầu tư trong nước. Trong tương lai, Cát Bà sẽ được xây dựng thành khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế .Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của loại hình du lịch nghỉ dưỡng đã được khẳng định, Cát Bà còn là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động khám phá thiên nhiên kỳ thú có thể làm lạc bước chân du khách khi đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này

thông tin công ty
  • Du lịch Cát Bà tự do 
  • Địa chỉ:  Số 225, đường 1/4, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.
  • Điện thoại: 0869 109 688 (Whatsapp, Zalo, Messenger)
  • Email: [email protected]
  • Email: [email protected]
Zalowhatsappgọi điện thoại